Sunday, April 14, 2013

Những điểm mới trong Bộ luật Lao động năm 2012 (hiệu lực từ 01/05/2013)

Bộ luật lao động năm 2012 số 10/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013 có rất nhiều điểm mới, khác so với Bộ luật cũ. Bản thân tôi đọc BLLĐ 2012 nhận thấy Bộ luật này "bình đẳng" hơn giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Dưới đây là một số điểm mới đáng lưu ý sau khi đọc BLLĐ 2012 này:

- Bỏ điều 19 của BLLĐ cũ: Cấm mọi hành vi dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái pháp luật. Nhưng không có nghĩa là Doanh nghiệp được thực hiện những hành vi này, việc bỏ điều này chỉ để không bị chồng chéo với pháp luật Hình sự.

- Bỏ quy định về lập quỹ dự phòng trợ cấp thôi việc: Từ 01/01/2009, Doanh nghiệp và NLĐ tham gia BHTN nên quy định trợ cấp thôi việc là không cần thiết.

- Bổ sung quy định "trực tiếp giao kết hợp đồng lao động": BLLĐ 2012 không cho phép thực hiện ủy quyền ký HĐLĐ với NLĐ, người sử dụng lao động phải trực tiếp giao kết. Quy định này chỉ áp dụng đối với bên sử dụng lao động (khoản 1 điều 18), đối với NLĐ được ủy quyền trong trường hợp công việc theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

- Bổ sung nghĩa vụ cung cấp thông tin: cả NLĐ và NSDLĐ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhau; đây là điểm mới và cần thiết cho quá trình lựa chọn nghề, tuyển chọn lao động (điều 19);

- Cấm NSDLĐ giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ, thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền/hiện vật;

- Quy định quan trọng đối với việc chuyển hóa Hợp đồng lao động từ mùa vụ sang HĐLĐ 24 tháng nếu HĐLĐ mùa vụ hết thời hạn mà hai bên không giao kết mới và NLĐ tiếp tục làm việc;

- Bổ sung Hợp đồng lao động thêm 02 điều khoản: Quy định về chế độ nâng lương, chế độ đào tạo, bồi dưỡng. Đây là điểm mới rất đáng lưu ý vì sắp tới có thể mẫu HĐLĐ hiện nay sẽ bị thay đổi cho phù hợp với luật. Hàng loạt HĐLĐ đã ký trước đây sẽ phải thay đổi.

- Nâng mức lương thử việc từ 70% lên 85%: NLĐ thử việc sẽ được hưởng mức lương không dưới 85% so với lương chính thức;



- Bổ sung trường hợp tạm hoãn HĐLĐ là NLĐ đi cai nghiện, đưa vào trường giáo dưỡng, phụ nữ có thai theo chỉ định của thầy thuốc;

- Bổ sung các trường hợp chấm dứt HĐLĐ, nâng các trường hợp chấm dứt HĐLĐ lên 10 trường hợp (Điều 36);

- Bổ sung hình thức HĐLĐ không trọn thời gian, đây là điểm còn nhiều vướng mắc cần hướng dẫn;

- Quy định người lao động giúp việc gia đình vẫn phải giao kết HĐLĐ theo quy định của pháp luật;

- Quy định về cán bộ công đoàn được gia hạn HĐLĐ theo nhiệm kỳ mà không phụ thuộc vào thời hạn HĐLĐ đã giao kết;

- Bổ sung thêm mức tiền bồi thường của NSDLĐ cho NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật và không nhận lại NLĐ làm việc;

- Quy định rõ hơn về tiền lương, bao gồm lương công việc/chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Doanh nghiệp không phải làm thủ tục đăng ký thang bảng lương như trước đây; theo quy định tại Điều 93 thì Doanh nghiệp chỉ cần xây dựng thang bảng lương theo nguyên tắc do Chính phủ quy định và gửi cơ quan quản lý lao động mà không phải đăng ký như trước. Điều này giảm đi rất nhiều thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp.

- Nâng thời gian và chế độ nghỉ thai sản lên 6 tháng;

- Bỏ quy định về thời hạn thành lập công đoàn và thành lập BCHCĐCS;

- Quy định tiền lương ngày lễ ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương của ngày lễ đó (điều 97)

- Thời gian làm việc ban đêm được quy định thống nhất trên phạm vi cả nước từ 22h - 6h (điều 105)

- Bổ sung quy định "NSDLĐ phải ghi các đợt nghỉ ngắn, nghỉ hàng tuần không phải là ngày chủ nhật vào nội quy lao động" (điều 108, 110)

- Thêm 1 ngày nghỉ Tết âm lịch (điều 115)

Có 11 Nghị định được dự thảo để hướng dẫn BLLĐ 2012; con số vẫn còn khá nhiều nhưng so với 33 Nghị định hướng dẫn BLLĐ cũ thì vẫn giảm tải nhiều hơn cho các Doanh nghiệp khi tiếp cận và áp dụng.

Hy vọng BLLĐ 2012 sẽ giải quyết tốt hơn quan hệ lao động và thúc đẩy quan hệ này phát triển, kéo theo sự phát triển của nền kinh tế.


No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...