Monday, April 1, 2013

Hạch toán chi phí sửa chữa TSCĐ


Theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài Chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (có hiệu lực từ ngày 01/01/2010):


“Sửa chữa tài sản cố định: là việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của tài sản cố định.”;


“Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm.

Đối với những tài sản cố định mà việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định lớn hơn số trích theo dự toán thì doanh nghiệp được tính thêm vào chi phí hợp lý số chênh lệch này. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định nhỏ hơn số đã trích thì phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ”;


Như vậy, nếu sửa chữa TSCĐ đơn thuần thì chi phí này sẽ được hạch toán vào TK 142, 242 và phân bổ tối đa không quá 3 năm.

Đặt ra 1 câu hỏi khác: Trường hợp sửa chữa nào thì đủ điều kiện ghi tăng nguyên giá TSCĐ?

Tham khảo các tài liệu tôi nhận thấy rằng vấn đề này chỉ được quy định chung chung là:

Đoạn 24, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 – Tài sản cố định hữu hình ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: “Các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ hữu hình được ghi tăng nguyên giá của tài sản nếu chúng thực sự cải thiện trạng thái hiện tại so với trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của tài sản đó, như:
(a) Thay đổi bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng của chúng…”
Đoạn 25, chuẩn mực trên cũng quy định “Chi phí về sửa chữa và bảo dưỡng TSCĐ hữu hình nhằm mục đích khôi phục hoặc duy trì khả năng đem lại lợi ích kinh tế của tài sản theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ”.

Theo Thông tư 203/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, Điều 7. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa tài sản cố định thì “1.Các chi phí doanh nghiệp chi ra để đầu tư nâng cấp tài sản cố định được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ; 2.Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm”.

Nghĩa là chi phí sửa chữa TSCĐ được ghi nhận vào nguyên giá sau khi xem xét việc sửa chữa có nâng cấp TSCĐ hay không; có thực sự cải thiện trạng thái hiện tại so với trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của tài sản hay không; có thay đổi bộ phận của TSCĐ làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng hay không. Việc xác định này không có quy định cụ thể mà tùy vào từng trường hợp nhất định.

Đôi điều muốn trao đổi với các bạn! Mong nhận được comment trao đổi!

Công văn của Tổng cục thuế hướng dẫn chi phí sửa chữa TSCĐ, download here

1 comment:

  1. Mình có đọc ở cuốn Sách Quyết định 15 (mua ở Hiệu sách) thì:
    - Chi phí phát sinh sau khi ghi nhận Nguyên giá TSCĐ trong quá trình sử dụng TSCĐ như sửa chữa, bảo trì, duy tu, nâng cấp TSCĐ thì điều kiện để ghi nhận vào Nguyên giá, có thể tham khảo ở mục Kết cấu TK 211 và TK 213, đoạn 4: "Chỉ được thay đổi nguyên giá TSCĐ hữu hình trong các trường hợp sau:
    - Đánh giá theo QĐ Nhà nước
    - Xây lắp, trang bị thêm TSCĐ
    - Thay đổi bộ phận TSCĐ làm tăng thời gian sử dụng, tăng công suất sử dụng ....
    - Thay đổi làm tăng chất lượng, giảm chi phí hoạt động .... "

    Như vậy, nếu chi phí sữa chữa lớn TSCĐ chỉ nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của tài sản cố định thì ghi nhận là chi phí SX trong kỳ hoặc phân bổ.

    ReplyDelete

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...