Monday, March 18, 2013

Ý kiến ngoại trừ của Kiểm toán viên trong kiểm toán Báo cáo tài chính

Nguồn bài: Tạp chí khoa học kiểm toán

Trong giai đoạn gần đây, Kiểm toán độc lập đã góp phần lớn vào việc cung cấp cho cổ đông niềm tin vào tính trung thực của Báo cáo tài chính, cũng như hướng dẫn các kế toán xử lý nghiệp vụ theo đúng Chuẩn mực, chế độ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay nhiều báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ (hoặc chấp nhận toàn phần) mà chưa làm an lòng người sử dụng Báo cáo tài chính. Tình cờ đọc được bài viết này của tác giả Nguyễn Thị Phương, mạn phép đưa về đây để mọi người tham khảo.

Thực trạng báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ
Chuẩn mực Kiểm toán Số 700 quy định về cách trình bày BCTC kiểm toán, căn cứ kết quả kiểm toán, KTV đưa ra một trong các loại ý kiến về BCTC: ý kiến chấp nhận toàn phần; ý kiến chấp nhận từng phần; ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến); ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược). Trên thực tế, ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, trong năm qua có khoảng 60 - 65% BCTC được chấp thuận toàn phần, 1 - 2% công ty kiểm toán (CTKT) đưa ra ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối đưa ra ý kiến, phần còn lại (gần 40%) đưa ra ý kiến ngoại trừ. 
 Có thể liệt kê một số vấn đề phát sinh trong công tác kiểm toán dẫn đến tình trạng không chắc chắn của CTKT như giới hạn về thời gian kiểm toán diễn ra sau niên độ tài chính của doanh nghiệp hoặc những khó khăn trong quá trình thu thập bằng chứng; Chẳng hạn, đối với hàng tồn kho, nếu các kho bố trí rải rác tại nhiều địa điểm cách xa nhau trên khắp cả nước, các KTV và CTKT sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng kiểm về toàn bộ tài sản lưu động của doanh nghiệp. Rủi ro khác có thể phát sinh là KTV không thể bám sát mọi hoạt động, sự kiện quan trọng của doanh nghiệp nên việc đưa ra ý kiến ngoại trừ là biện pháp để khẳng định ý chí chủ quan của mình v.v. Trong những trường hợp này, tất nhiên, cũng cần phải xem xét phẩm chất đạo đức của KTV song cũng còn nhiều vấn đề khác như thời gian ký kết hợp đồng kiểm toán cùng thái độ “cởi mở” của doanh nghiệp trong kê khai, trong kiểm kê và phối hợp với CTKT trong chứng kiến kiểm kê v.v.
Trường hợp của Tập đoàn VM tại Việt Nam thành lập từ năm 2001, chuyên về đầu tư bất động sản, có vốn pháp định 700 tỷ đồng, được Công ty Kiểm toán độc lập V kiểm toán. Trong BCTC được kiểm toán của Công ty mẹ trong 3 năm liên tiếp từ năm 2008 đến 2010, KTV luôn đưa ra ý kiến ngoại trừ về các hạng mục quan trọng như tổng tài sản, hàng tồn kho, các khoản vay, giá trị góp vốn vào công ty con và vào công ty liên kết. Tập đoàn VM muốn phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi để huy động vốn cho Dự án Bất động sản tại khu vực Hà Đông. Nếu quan sát kết quả kinh doanh của V.M sẽ thấy nhiều điểm bất thường: Doanh thu lên đến mức trên 1.000 tỷ đồng nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp: lợi nhuận thuần chỉ xấp xỉ 1 tỷ đồng trở xuống trong 3 năm gần nhất. Đó là chưa kể việc tăng vốn pháp định từ 300 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng không giúp doanh nghiệp đẩy mạnh doanh số mà còn bị thụt lùi. Với kiểu kinh doanh “giấu lãi, giấu lỗ” như thế này, CTKT đành đưa ra ý kiến ngoại trừ để hoàn thành phần việc. Các trái chủ hiện tại và tương lai của VM đang bị thách thức bởi sự thiếu minh bạch của VM  hay sự thiếu chuyên nghiệp của CTKT gắn bó suốt 3 năm với doanh nghiệp.

Loại bỏ ý kiến ngoại trừ - khả thi hay bất khả thi?
Ý kiến ngoại trừ của KTV có thể làm giảm lòng tin của người quan tâm đến BCTC đã được kiểm toán song khó có thể loại trừ do những lý do bất khả kháng. Mức độ chấp nhận hay không chấp nhận phụ thuộc vào đánh giá của KTV về mức độ trọng yếu của những sai phạm dựa trên những yếu tố sau:

      Thứ nhất, quan điểm ứng xử khác nhau giữa doanh nghiệp với CTKT trước một vấn đề mà cả hai bên đều không thống nhất cách xử lý vấn đề. Lấy ví dụ như doanh nghiệp đã đầu tư mua cổ phiếu  OTC là A với mức giá 30.000đ/cổ phiếu song cổ phiếu A hiện đang mất thanh khoản. Từ đó cổ phiếu A không có giao dịch trên thị trường tự do nên sẽ không có giá thị trường làm căn cứ để đánh giá lại danh mục đầu tư. CTKT áp cho doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá dựa trên cơ sở định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (FCFE, FCFF) theo dự phòng tài chính của doanh nghiệp đầu tư hoặc phương pháp giá trị sổ sách (book value). Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể bảo vệ quan điểm về giá trị tài sản theo giá mua gốc, không trích lập dự phòng do cổ phiếu không có giá tham chiếu chính xác. Do vậy, việc phát sinh ý kiến ngoại trừ của KTV là hoàn toàn có thể đối với việc lập dự phòng cho danh mục đầu tư;
Thứ hai, Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán và có thể quy về ba hướng cơ bản: Hoặc do CTKT không đủ điều kiện song vần chấp nhận thực hiện cuộc kiểm toán cụ thể; hoặc do đơn vị được kiểm toán đã không thực hiện các quy định chung, kể cả khi CTKT đã phát hiện và yêu cầu điều chỉnh; hoặc do các nguyên nhân khách quan  cả với CTKT, cả với đơn vị được kiểm toán, đặc biệt trong các trường hợp có khả năng xảy ra những rủi ro kinh doanh trong những kỳ tương lai, trong thanh thanh toán và trong pháp lý, đặc biệt với các vụ kiện chưa được xử lý xong và cả những trường hợp cơ sở pháp lý chưa thật rõ ràng v.v;
Thư ba, vai trò và nghĩa vụ của CTKT là độc lập trong hoạt động, kể cả việc đưa ra ý kiến đánh giá độ tin cậy và hợp lý của thông tin trong BCTC. Do vậy, ý kiến ngoại trừ của KTV có thể xuất hiện rất hạn chế nhưng không thể hoàn toàn bị loại bỏ nếu KTV và CTKT muốn tuân thủ nghiêm ngặt trách nhiệm, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong vai trò đánh giá độc lập. Chẳng hạn, trường hợp Tập đoàn Kinh đô (KDC) đã ghi nhận giá trị thương hiệu 50 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh đô trong BCTC  hợp nhất năm 2010. Giá trị thương hiệu này được ghi nhận là tài sản vô hình được khấu trừ trong vòng 20 năm và được tính vào chi phí trong kết quả kinh doanh hợp nhất. Tuy nhiên, cơ chế tài chính do Bộ Tài chính chưa có văn bản quy định cụ thể về giá trị quyền sử dụng thương hiệu. Các quy định hiện tại, kể cả Thông tư 203/2009/TT-BTC hay Chuẩn mực Kế toán Số 4, đều quy định rất chung chung liên quan tới thương hiệu. Để thương hiệu được ghi nhận thành tài sản cố định vô hình cần đảm bảo 3 yếu tố :  (i) nguồn lực có thể xác định được, (ii) được đánh giá tin cậy, (iii) kiểm soát được. Ngoài ra Chuẩn mực Kế toán Việt Nam hiện còn “lệch pha” khá nhiều so với Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS) và thậm chí có cả sai lệch với thực tiễn và quy định khác. Do thiếu sự chỉ dẫn của các chuẩn mực và công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, BCTC của Tập đoàn KDC vẫn có ý kiến ngoại trừ của KTV cho dù giữa họ có thể vẫn giữ thái độ hợp tác tích cực.
Từ những phân tích trên có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới sự tồn tại của ý kiến ngoại trừ. Do vậy những quy định cụ thể cần phân loại nguyên nhân theo tính chất và mức độ khác nhau để cân nhắc và quy định rõ những trường hợp cụ thể không được phép ngoại trừ. Trong mỗi tình huống đó,các quy định cần phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên: CTKT, doanh nghiệp được kiểm toán và các đơn vị cấp dưới của cơ quan ban hành quy định trên trong việc giải quyết vấn đề này. Đồng thời, theo lộ trình hội nhập kế toán và kiểm toán của nước ta đã được ký kết với các nước AFTA, cần hết sức quan tâm đến đổi mới các hệ thống chuẩn mực kế toán và chuẩn mực kiểm toán để tránh những “lêch pha” tương tự như dã nêu. Cũng trong quan hệ đó, theo Tác giả, nên chăng cơ quan quản lý có các quy định ràng buộc liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán ngoại trừ : không được phát hành trái phiếu huy động vốn trong thời hạn nhất định, chuyển đổi sàn niêm yết v.v…tùy theo mức độ ngoại trừ. Biện pháp này hứa hẹn cải thiện nhiều hơn quá trình minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp và mức độ tín nhiệm của CTKT hơn.

Kết luận
Do chứa đựng nhiều mối quan hệ kinh tế trong đầu tư, trong kinh doanh và trong phân phối, hoạt động tài chính với bức tranh phản ánh nó là các BCTC thuộc đối tượng kiểm toán là hoạt động phức tạp. Trong khi đó, do Việt Nam mới đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường nên còn nhiều lĩnh vực từ hệ thống pháp lý đến quá trình thực thi trong những lĩnh vực cụ thể như kiểm toán nên còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết và cần tập trung giải quyết những vấn đề nóng bỏng nhất. Bài viết cũng chỉ tập trung vào những điểm cấp bách trong phạm vi một vấn đề nóng bỏng đó là xử lý ý kiến ngoại trừ trong kiểm toán BCTC của các doanh nghiệp, chủ yếu là trong các công ty niêm yết nhằm nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư cùng tính minh bạch của BCTC. Những vấn đề cụ thể nêu ra: phân loại các tình huống có ý kiến ngoại trừ; đổi mới các hệ thống chuẩn mực kế toán và chuẩn mực kiểm toán, từng bước nâng cao vai trò và trách nhiệm của mỗi bên có liên quan đều được xét tới quan hệ giữa các bên: CTKT, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan chức năng có liên quan trực tiếp.

No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...